Mạo danh nhân viên bảo hiểm xã hội để lừa đảo

26/09/2024 11:23 AM


Tình trạng mạo danh nhân viên bảo hiểm xã hội mua - bán sổ bảo hiểm xã hội hoặc yêu cầu người dân cung cấp mã số định danh, thông tin cá nhân hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn ra.

Việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội diễn ra công khai trên mạng xã hội. Ảnh: Lương Hạnh

Đánh vào tâm lý cần tiền gấp, ngại đi lại

Chị Phạm Tú (trú tại Bắc Ninh, từng làm việc tại khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) tham gia bảo hiểm xã hội được 3 năm 4 tháng. Nếu rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, chị sẽ nhận được ít nhất khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi có nhu cầu bán sổ, chị thường được báo mức phí khoảng 50% số tiền thực lĩnh.

“Tôi đăng bài trên Facebook hỏi bán non sổ BHXH sẽ được bao nhiêu tiền, đa số các đầu mối đều báo giá khoảng 13 -14 triệu đồng. Có một chỗ tự xưng là nhân viên của BHXH Bắc Ninh nhận mua với giá 20 triệu đồng nên tôi liên hệ ngay. Thời gian này tôi đang cần tiền gấp” - chị Tú thông tin.

Đối tượng mua sổ cho biết, chị phải trả trước số tiền 800.000 đồng/sổ cho “phí dịch vụ” và cần chụp ảnh Căn cước công dân, ảnh tờ rời sổ BHXH gửi cho đối tượng. Đánh vào tâm lý cần tiền gấp, đối tượng khiến chị Tú xuống tiền mà không nghĩ ngợi gì thêm. Một ngày sau, chị Tú nhắn tin hỏi kết quả, thì đối tượng đã khóa tài khoản. Chị Tú gọi điện đến tổng đài của BHXH Việt Nam mới biết mình đã bị lừa.

Thực tế theo tìm hiểu của Lao Động, các hội, nhóm mua - bán sổ BHXH xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Chỉ cần gõ từ khóa “mua - bán sổ bảo hiểm xã hội” là hàng chục hội, nhóm xuất hiện kèm theo lời mời gọi bán “non” loại sổ này của các đối tượng cò mồi. Không chỉ vậy, nhiều bài viết của các nạn nhân bị lừa đảo vì lỡ tin tưởng đối tượng nhận chốt sổ với giá rẻ, nhanh chóng, tiện lợi cũng được đăng tải.

Không phải tài sản được phép giao dịch dân sự

Trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, sổ BHXH là một loại giấy tờ để ghi nhận lại quá trình tham gia BHXH của đích danh từng người lao động. Đây sẽ là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 105, Bộ luật Dân sự 2015 thì đây không phải là một tài sản được phép đem ra để giao dịch dân sự.

Ngoài chiêu lừa đảo mua - bán “non” sổ BHXH, người dân tại TPHCM phản ánh đã nhận được cuộc gọi của những người tự xưng là cán bộ BHXH yêu cầu người dân điều chỉnh các thông tin về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), cập nhật ứng dụng VssID... Nếu không sẽ không sử dụng được VssID hoặc không làm được các thủ tục hành chính có liên quan tới BHXH.

Tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Đồng Nai... các đối tượng lừa đảo cũng mạo danh nhân viên BHXH, gọi điện yêu cầu người dân cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách truy cập đường link lạ có đuôi “.govvvn.com” trên thiết bị điện thoại di động và làm theo hướng dẫn. Sau khi làm theo hướng dẫn, nhập số điện thoại và mật khẩu vào ứng dụng với màn hình hiển thị giao diện giống với ứng dụng “VssID” của ngành BHXH Việt Nam, người dân đã bị mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.

Bà Dương Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông BHXH TP Hà Nội - khẳng định: Người dân không phải mất bất cứ khoản phí nào khi thực hiện các thao tác đề nghị cấp lại mật khẩu, thay đổi thông tin tài khoản VssID - BHXH số hoặc đề nghị cấp lại sổ BHXH, tờ rời sổ BHXH, cấp lại thẻ BHYT...

Trên thực tế, khi các cán bộ làm thẻ BHYT cho người dân đã đồng bộ dữ liệu căn cước công dân cho công dân nên không thể có chuyện sai lệch thông tin. Do đó, người dân không nên tin bất kỳ thông tin nào qua điện thoại của người tự xưng là người của cơ quan BHXH, không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng và tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng là mở link hay chuyển tiền làm dịch vụ.

Khi gặp trục trặc về chính sách BHXH, BHYT người dân cần liên hệ trực tiếp tới cơ quan BHXH địa phương gần nhất, tra cứu thông tin ở những kênh chính thống của BHXH Việt Nam hoặc gọi điện tới tổng đài của BHXH Việt Nam để được hướng dẫn.

laodong.vn